Các sản phẩm dưỡng da có chứa retinoids hứa hẹn đem lại công dụng chống lão hóa, cải thiện nếp nhăn, làm đều màu da… vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ và có phương pháp sử dụng thích hợp thì retinoids còn có thể khiến tình trạng da của bạn trở nên tệ hơn. Là 1 người đã từng điên cuồng sử dụng retinoids, cô nàng dưới đây thấu hiểu rất rõ những nỗi phiền hà mà bạn có thể gặp phải khi sử dụng hoạt chất này.
Tên thật: Phạm Thị Thu Nga
Blogger: Bánh Bèo Phù Phiếm
Cô nàng mà chúng ta nói đến ngày hôm này là beauty blogger Bánh Bèo Phù Phiếm (BBPP) được nhiều bạn trẻ yêu mến trong thời gian qua. Blog của cô nàng này chủ yếu tập trung vào chuyện làm đẹp, chăm sóc da, chia sẻ những bí kíp hoặc những sản phẩm hay ho đến người đọc. Tới nay trang fanpage của BBPP đã có hơn 51.000 fan, còn trang Instagram cũng có hơn 14.400 lượt theo dõi.
Như đã chia sẻ, BBPP từng rất ham hố sử dụng retinoids trong làm đẹp. Cô từng quan niệm rằng sử dụng càng nhiều càng tốt, thậm chí còn chia ngày sáng/tối để dùng được nhiều nhất có thể. Hậu quả là đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy da bị mỏng đi, căng rát, ửng đỏ, da ngày một hư tổn, trở nên bong tróc, sần sùi. Chính bởi lẽ đó, BBPP muốn chia sẻ với độc giả của Afamily về những điều mà cô không thích ở retinoids. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn sẽ có được cái nhìn tường tận hơn về retinoids cũng như trở nên cẩn trọng hơn trước bất cứ phương pháp làm đẹp nào.
Những điều mà BBPP không thích ở retinoids bao gồm 7 điểm sau:
1. Retinoids gây khô da, kích ứng
Đây là tác dụng phụ đầu tiên mà bạn sẽ gặp phải khi mới bắt đầu sử dụng các sản phẩm có chứa retinoids. Từ việc da bị khô, bong tróc sẽ dẫn đến việc da trở nên căng tấy, đỏ rát, đau đớn, thậm chí là purging (đẩy mụn). Những lúc như thế này, bạn hãy chú trọng vào việc dưỡng ẩm để xoa dịu làn da; đồng thời ngừng sử dụng các sản phẩm tẩy da chết dạng hạt, mặt nạ lột hay máy rửa mặt để da có thời gian phục hồi. Khi sử dụng retinoids bạn cũng nên tránh bôi ở các vùng da mỏng, nhạy cảm như vùng mắt, môi, mép.
Khi sử dụng retinoids, bạn sẽ cần chú trọng đầu tư vào khâu dưỡng ẩm.
2. Retinoids khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng
Nếu dùng retinoids mà không chống nắng cẩn thận là sẽ có nguy cơ bị nám và lão hóa da cao hơn. Điều này là bởi Retinoids hoạt động trên cơ chế tăng cường hoạt động tế bào, nhờ đó quá trình đào thải tế bào chết diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, dẫn đến lớp sừng bảo vệ bên ngoài da trở nên mỏng hơn. Do đó sẽ mang lại cho bạn làn da mịn màng nhưng cũng đồng nghĩa với việc da trở nên nhạy cảm hơn trước tia cực tím và bạn bắt buộc phải chống nắng kỹ hơn.
Chống nắng cũng là bước vô cùng quan trọng.
Khi chọn kem chống nắng bạn nên ưu tiên cho những loại có thành phần chống nắng ổn định, bền vững, phổ rộng. Nhớ bôi kem đủ liều lượng và bôi lại đều đặn trong ngày. Ngoài ra không chỉ chống tia UV, mà bạn còn phải chống cả nhiệt độ cao, che chắn kỹ càng mỗi khi ra ngoài để bảo vệ da toàn diện
3. Cách sử dụng phức tạp
Retiniods là tên gọi chung cho các dẫn xuất của Vitamin A và có rất nhiều dạng như: Retinyl Pamitate, Retinol, Retinal, Tretinoin, Isotretinoin... Nguyên tắc chung là chúng phải được chuyển hóa thành retinoic acid để hoạt động hiệu quả. Quá trình chuyển hóa này diễn ra trong môi trường pH trung tính 5-6, vậy nên nếu bạn sử dụng retinoids với acid hoặc các hoạt chất có pH thấp thì sẽ ảnh hưởng đến retinoids, thậm chí còn chịu nguy cơ da sẽ kích ứng trầm trọng hơn.
Trong trường hợp vẫn muốn sử dụng chung retinoids với các hoạt chất khác thì bạn nhớ chờ khoảng 20-30 phút giữa mỗi bước. Riêng tretinoin mặc dù bản thân nó đã là retinoic acid rồi nên không phụ thuộc pH để chuyển hóa nữa nhưng nó lại bị nhạy cảm với ánh sáng, nên bạn phải bôi nó trong bóng tối.
4. Khó kết hợp trong skincare routine
Retinoids càng bôi gần da thì càng hiệu quả, thế nhưng nó lại càng mạnh và dễ khiến da bị kích ứng hơn. Chưa kể thế giới mỹ phẩm còn ngày đêm sản sinh ra những thứ mới mẻ như acid toner, first essence, pre-serum, mặt nạ ngủ… khiến nhiều cô nàng đau đầu không biết phải sử dụng retinoids ở bước nào cho hợp lý.
5. Retinoids có quá nhiều loại dẫn xuất nên khó lựa chọn
Như vừa nói ở trên, phái sinh của vitamin A có nhiều dạng. Mỗi dạng lại có mức độ chuyển hóa, mức độ "nguy hiểm" khác nhau đối với làn da. Tùy vào mỗi thị trường của các nước lại có quy định về nồng độ của retinoids có trong mỹ phẩm để đảm bảo vừa đem lại hiệu quả mà vẫn an toàn cho người sử dụng. Điều này cũng khiến nhiều người lúng túng, không biết nên bắt đầu sử dụng retinoids như thế nào? Nên chọn loại nồng độ thấp cho an toàn hay nồng độ cao để đem lại tác động rõ rệt nhưng cũng rủi ro hơn?
6. Tác dụng chậm, mất thời gian hồi phục da sau kích ứng
Nhiều bạn đến với retinoids với hi vọng nó giúp trị mụn. Thế nhưng nhiều nghiên cứu và cả nhận xét từ những người từng sử dụng cho thấy retinoids mất khá nhiều thời gian để nhìn rõ hiệu quả. Trung bình là từ 6 đến 8 tuần, với da nhiều vấn đề thì có thể lâu hơn, kéo dài từ 4-6 tháng. Chưa kể, sau khi sử dụng retinoids, da cũng cần nhiều thời gian (ít nhất là 1 chu kỳ dưỡng da – 28 ngày) để phục hồi hoàn toàn khỏi những kích ứng, khô rát mà retinoids gây ra.
7. Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Thực ra đến tận bây giờ đây vẫn là quan điểm gây tranh cãi và chưa được chứng minh đầy đủ, xác đáng. Nhưng liên quan đến thai kỳ và sứ mệnh làm mẹ thiêng liêng, thì bạn vẫn cứ nên cẩn thận không sử dụng retinoids khi mang thai thì tốt hơn.
Thế nhưng nếu tính sơ sơ thì quá trình này cũng đã ngốn của bạn mất vài năm. Từ việc bạn ngưng dùng retinoids 3-4 tháng rồi mới mang thai, cộng thêm 9 tháng mang bầu, và tối thiểu 6 tháng cho con bú. Rồi thì bạn muốn đẻ thêm em bé thứ 2, thứ 3. Vậy là đã mất tầm 4 đến 5 năm bạn không thể sử dụng retinoids, chứ còn nói gì đến việc chống lão hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét