Đắp mặt nạ luôn là bước skincare được yêu thích nhất nhì bởi các chị em. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi những giây phút được thảnh thơi đắp mặt nạ luôn là khoảng thời gian đem đến cảm giác thư giãn, sảng khoái nhất. Hơn hết, làn da sau khi đắp mặt nạ cũng được xoa dịu và trở nên căng mọng, tràn đầy sức sống hơn. Tuy nhiên, với tần suất 2 – 3 lần/tuần đắp mặt nạ thì bước skincare này liệu có mang đến những thay đổi ngoạn mục hay hiệu quả lâu dài nào cho làn da? Và các nàng có nhất thiết phải thêm bước đắp mặt nạ vào quy trình skincare không khi đã có bao sản phẩm khác như serum, kem dưỡng, lotion hay ampoule?
1. Khi đắp mặt nạ giấy, không phải thành phần nào cũng được làn da thẩm thấu
Điều quan trọng mà bạn cần biết về mặt nạ đó là chỉ những thành phần hoạt tính (active ingredients) mới có thể được làn da thẩm thấu. Theo bác sĩ da liễu Dhaval G. Bhanusali tại New York: "Nhìn chung là chỉ một số các thành phần hoạt tính mới thực sự đến được với làn da của bạn. Bởi lẽ, lớp biểu bì hay màng bảo vệ ngoài cùng đều hoàn thành rất tốt nhiệm vụ bảo vệ làn da khỏi tác động từ môi trường. Và không may, điều này chính là lý do nhiều thành phần rất khó để thẩm thấu vào tầng sâu bên trong da". Vì vậy, nếu bạn muốn bước đắp mặt nạ không trở nên vô ích thì khi tìm mua sản phẩm, bạn nên tìm hiểu kỹ về "active ingredients" – những thành phần quyết định về công dụng chính của loại mặt nạ (ví dụ như: chống lão hóa, trị mụn, làm sáng da...) vì chỉ những thành phần ấy mới được làn da thẩm thấu.
2. Chọn đúng loại mặt nạ cho vấn đề của làn da là điều vô cùng quan trọng
Cũng bởi chỉ thành phần hoạt tính mới có thể thẩm thấu vào sâu trong da, vậy nên bạn cần phải chọn đúng sản phẩm chứa thành phần dành cho vấn đề mà làn da đang phải đối mặt. Bằng không, việc đắp mặt nạ chưa chắc đã giúp cải thiện làn da của bạn. Ví dụ, nếu bạn phải đối mặt với tình trạng da xỉn màu, bạn nên chọn những loại mặt nạ chứa thành phần tẩy da chết hóa học bởi theo bác sĩ Neal Schultz tại New York: "Các thành phần tẩy da chết hóa học như: glycolic, latic hay retinol sẽ giúp loại bỏ da chết xỉn màu, cặn bẩn, bã nhờn khiến làn da của bạn trông mệt mỏi và già nua, hay tệ hơn là ngăn cản làn da hưởng lợi nhiều hơn từ các sản phẩm skincare". Bên cạnh đó, bạn cũng có thể để mắt đến thành phần vitamin C bởi theo bác sĩ Neal Schultz: "Bạn cần biết rằng vitamin C chính là chất chống oxy hóa duy nhất có thể làm săn chắc da nhờ vào khả năng kích thích sản sinh collagen, và nó cũng giúp làm sáng da khi làm giảm sự hình thành của sắc tố da melanin".
3. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy hiệu quả lâu dài của mặt nạ
Mặc dù, đắp mặt nạ là bước chăm da rất quen thuộc và được rất nhiều chị em yêu thích nhưng theo bác sĩ David Lortscher, tại Carlifonia: "Chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy các loại mặt nạ thông thường như: mặt nạ giấy, mặt nạ dạng kem/gel hay mặt nạ đất sét có thể mang đến hiệu quả lâu dài cho làn da. Dù vậy, chúng có thể cấp ẩm, làm dịu da và đôi khi còn giúp tẩy da chết". Vì thế, các nàng đừng chỉ quá chú tâm vào đắp mặt nạ mà quên mất rằng các loại kem dưỡng, serum đặc trị mới là những sản phẩm tối quan trọng để giải quyết những vấn đề khó nhằn của làn da một cách triệt để và đem lại hiệu quả lâu dài.
4. Tóm lại
Xét về khía cạnh cải thiện làn da một cách ngoạn mục hay mang đến hiệu quả chăm sóc da lâu dài thì mặt nạ dường như sẽ thua kém các sản phẩm chăm sóc da khác. Bên cạnh đó, với tần suất sử dụng vỏn vẹn 2 – 3 lần/tuần thì việc trông đợi vào bước đắp mặt nạ để giải quyết dứt điểm các vấn đề "dai dẳng" của làn da như: mụn, nếp nhăn, vết thâm nám… là điều khá "viển vông". Tuy nhiên, mặt nạ sẽ giúp ích được cho làn da của bạn trong việc cấp ẩm, mang đến giải pháp tạm thời cho làn da xỉn màu, mệt mỏi trở nên tươi sáng, có sức sống hơn hay tuyệt nhất là có thể làm dịu, mang lại cảm giác thư giãn, sảng khoái cho làn da. Vì vậy, bước đắp mặt nạ cũng không hề "thừa thãi", nó cũng có đóng góp một phần hữu ích để đem đến cho các nàng một làn da khỏe đẹp, rạng rỡ hơn.
Nguồn: Bustle, Popsugar
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét