Mới đây, cảnh sát tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) đã triệt phá được một cơ sở chuyên sản xuất kem chống nắng giả với thành phẩm không khác gì hàng xịn vào chiều ngày 17/4 tại khu công nghiệp Xia Mao, quận Baiyun. Nếu nhìn qua, đôi khi bạn sẽ khó có thể nhận biết được đây là hàng thật hay hàng giả.
Nắm bắt được tâm lý trong mùa hè của hội con gái, rất nhiều cơ sở đã chế tạo ra những lọ kem chống nắng với thành phần được pha trộn và bán ra ngoài với giá thành rẻ. Thậm chí, nhiều cơ sở còn làm hẳn giấy phép giả và in chai lọ, tem mác giống với hàng thật nhằm đánh lừa người tiêu dùng khi chọn mua. Điều này vô tình khiến nhiều cô nàng không lường trước được hậu quả nên phải đối mặt với hàng loạt vấn đề sức khỏe nguy hại ảnh hưởng tới làn da nghiêm trọng, bao gồm cả ung thư da.
Một số thành phần trong kem chống nắng có thể gây hại sức khỏe
Mặc dù được biết tới là sản phẩm giúp bảo vệ da trước tác hại từ tia UV (ánh nắng mặt trời) và ngăn ngừa quá trình lão hóa da sớm diễn ra. Tuy nhiên, không phải bất kỳ sản phẩm chống nắng nào cũng có thể bảo vệ làn da bạn một cách tối ưu. Điều này đồng nghĩa rằng, có một số thành phần trong loại kem mà bạn vẫn dùng hàng ngày có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe. Đặc biệt, nếu chúng chứa quá nhiều 4 thành phần sau thì làn da của bạn sẽ dần bị bào mòn theo thời gian.
- OXYBENZONE: Thành phần này đã bị cấm sử dụng ở Hawaii vào năm 2016 vì có thể gây hại cho các rạn san hô. Trong bản đánh giá năm 2018 của Tổ chức hoạt động về môi trường quốc tế của Mỹ (EWG) cho biết, Oxybenzone là thành phần dễ gây kích ứng vì nó là một dạng estrogen tổng hợp, có thể thấm thấu qua da và xâm nhập vào máu, từ đó gây ra hiện tượng đỏ mắt, cay ngứa hoặc chảy nước mắt.
- OCTINOXATE: Tương tự như Oxybenzone nói trên, Octinoxate cũng là thành phần bị cấm sử dụng ở Hawaii vì nó có thể gây hại tới các rạn san hô và sinh vật biển. Theo nhiều nghiên cứu, Octinoxate là thành phần thường xuất hiện trong các loại kem chống nắng không rõ nguồn gốc. Khi chất này thấm qua da sẽ xúc tiến với các thành phần khác được ngấm nhanh hơn trên da nên có thể gây dị ứng da. Thậm chí, một số thí nghiệm được thực hiện trên động vật với chất này còn có ảnh hưởng tới cả chức năng sinh sản và tuyến giáp.
- AVOBENZONE: Một số nghiên cứu từng chỉ ra rằng, Avobenzone có thể thay thế Oxybenzone để ngăn chặn sự gián đoạn của quá trình trao đổi hormone trong cơ thể. Tuy nhiên, EWG đã tìm thấy thành phần kem chống nắng này có thể gây ra tỷ lệ kích ứng cao hơn. Ngoài ra, chất này cũng không mang tính chống nắng ổn định nên nhiều cơ sở làm nhái kem chống nắng đã trộn thêm với Octisalate. Vậy nhưng, Octisalate lại không hề tốt cho cả làn da lẫn sức khỏe của bạn.
- RETINYL PALMITATE: Thành phần này là một dạng dẫn xuất của vitamin A, được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm dưỡng da chống lão hóa và cả kem chống nắng. Retinyl Palmitate là sự kết hợp giữa retinol tinh khiết và palmitic axit (một chất dùng trong mỹ phẩm như chất làm sạch). Tuy vậy, khi làn da của bạn tiếp xúc lâu dưới ánh nắng mặt trời thì chất này sẽ chuyển hóa và làm hình thành các gốc tự do gây hại cho tế bào da.
Những tác hại tiềm ẩn của việc dùng kem chống nắng không rõ nguồn gốc:
Nhiều người cứ nghĩ dùng kem chống nắng "rởm" thì ít nhiều cũng sẽ giúp làm dịu bớt tình trạng cháy nắng trong mùa hè. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, bởi nó có thể tiềm ẩn nhiều yếu tố phá hủy làn da của bạn từ bên trong.
- Làm da đổ nhiều dầu hơn, gây mụn: Như đã chia sẻ ở trên, các thành phần hóa chất độc hại trong những chai kem chống nắng "rởm" có thể phá hủy làn da của bạn theo thời gian. Về lâu dài, bạn sẽ bị viêm da nặng và nếu không chữa trị kịp thời còn có thể để lại sẹo rỗ.
- Tăng nguy cơ ung thư da: Việc dùng kem chống nắng kém chất lượng sẽ chẳng mang đến hiệu quả bảo vệ da nào trước tác động từ ánh nắng mặt trời. Trái lại, nó sẽ trở thành thứ tấn công trực tiếp trên da và làm tăng nguy cơ hình thành khối u ung thư da.
- Bào mòn da, gây teo da, khiến da dễ bắt nắng hơn: Vì là những sản phẩm kém chất lượng nên việc gặp phản ứng phụ trên cơ thể sẽ càng tăng mức độ nguy hiểm hơn. Nguyên nhân là do trong những sản phẩm này có các thành phần dễ gây tác dụng phụ như corticoid. Chất này được đưa vào mỹ phẩm với tác dụng làm trắng da, sáng da nhưng nồng độ cao sẽ ngấm qua da, gây teo da và giảm độ đàn hồi của da không kém gì kem trộn.
Nhận biết kem chống nắng là hàng giả thông qua một số dấu hiệu sau:
- Nhãn mác, chai lọ in không rõ ràng.
- Không có danh sách thành phần in trên thân chai.
- Thoa kem ra tay có cặn.
- Kem bị tách dầu.
- Kem có mùi cồn nồng nặc.
Trước khi sử dụng một loại kem chống nắng mới nào, bạn nên chú ý test thử trên da bằng cách bôi kem lên một diện tích nhỏ trên vùng da mặt. Sau đó, hãy theo dõi trong khoảng 1 - 2 ngày, nếu không thấy phản ứng gì bất thường thì không có gì đáng lo ngại và có thể sử dụng tiếp. Tuy nhiên, trong trường hợp bôi xong thấy có phản ứng dị ứng như sưng đỏ, viêm da, nổi mụn... thì nên dừng sử dụng ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.
Source (Nguồn): Byrdie
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét