Không khó để các tín đồ làm đẹp liệt kê làu làu các loại mặt nạ cũng như công dụng của từng loại. Những loại mặt nạ phổ biến nhất phải kể đến mặt nạ giấy, mặt nạ đất sét, mặt nạ lột, mặt nạ DIY, v.v... Tuy cùng là mặt nạ nhưng ngoài công dụng riêng biệt, chúng còn có cách sử dụng rất khác nhau. Ngay cả những tín đồ "ăn mặt nạ, ngủ mặt nạ" cũng có thể đang đắp mặt nạ sai cách mà không hề hay biết.
Một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải nhất khi đắp mặt nạ chính là để mặt nạ trên da cho đến khi nó khô hẳn. Nhưng bạn biết không, đợi đến khi mặt nạ khô hẳn đồng nghĩa với việc bạn đã để nó trên da lâu hơn mức cần thiết và điều này hại hơn là lợi đấy!
Đắp mặt nạ đất sét quá lâu: có thể gây khô da, khiến da dễ nổi mụn
Ví dụ điển hình nhất là khi đắp mặt nạ đất sét (có chức năng hút dầu, làm sạch sâu lỗ chân lông, làm khô mụn, tẩy da chết) nhiều người thường đợi đến khi mặt nạ khô cứng đến mức nứt toác rồi mới đi rửa mặt vì nghĩ rằng mặt nạ lưu lại trên da càng lâu thì da càng được làm sạch kỹ, hoặc đơn giản là vừa đắp mặt nạ vừa làm việc khác nên quên luôn khái niệm thời gian. Sự thật là việc "tham" đắp mặt nạ đất sét quá lâu như vậy vừa không đem lại hiệu quả tốt hơn lại vừa làm hại da.
Vì sao? Đúng là mặt nạ đất sét càng khô thì càng cuốn theo nhiều da chết nhưng lợi bất cập hại là khi đó, lớp màng bảo vệ tự nhiên của da cũng bị ảnh hưởng khiến da trở nên khô hơn, dễ bị kích ứng dưới tác động của môi trường và dễ bị nổi mụn hơn. Đắp mặt nạ đất sét để làm sạch, trị mụn mà lại làm da dễ nổi mụn hơn thì quả là "hại điện".
Do đó, lời khuyên của bác sỹ da liệu là khi đắp mặt nạ đất sét, bạn đừng đợi đến khi mặt nạ queo mà hãy rửa mặt ngay khi lớp mặt nạ vừa ráo. Như vậy, thời gian lý tưởng nhất để mặt nạ đất sét lưu lại trên da là khoảng 15 phút.
Đắp mặt nạ lột quá lâu: có thể kích ứng da và viêm nang lông
Tương tự như mặt nạ đất sét, mặt nạ lột cũng là thứ mà bạn không nên lưu lại trên da quá lâu. Khi khô lại, loại mặt nạ này sẽ giống như một loại keo dính hút chặt những sợi lông mảnh trên da mặt và dứt chúng ra khi bạn lột mặt nạ, tương tự như khi waxing vậy. Da mặt vốn rất mỏng manh và nhạy cảm, do đó việc này có thể gây kích ứng da và thậm chí góp phần gây ra tình trạng viêm nang lông.
Đắp mặt nạ giấy đến khi khô cong: làm da càng khô hơn
Mặt nạ giấy cũng không phải là thứ để trên da càng lâu thì càng tốt. Vốn có chức năng chính là cấp ẩm nhưng nếu bị lưu lại trên da đến khi khô cong, chính chiếc mặt nạ này sẽ hút ngược độ ẩm từ da, khiến da càng khô thêm. Do đó, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì và đừng đắp lâu hơn thời gian mà nhà sản xuất đưa ra.
Những lưu ý khác khi đắp mặt nạ
Sử dụng mặt nạ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất là cần thiết nhưng trong trường hợp bạn chưa đắp đủ thời gian khuyến cáo mà đã nhận thấy da có hiện tượng châm chích, khó chịu, hãy gỡ bỏ mặt nạ ra và rửa mặt ngay bởi nhiều khả năng là loại mặt nạ đó đã gây kích ứng cho da của bạn.
Một mẹo nhỏ giúp bạn không bao giờ bỏ quên mặt nạ trên da quá lâu đó là hẹn giờ trên điện thoại. Khi đó, bạn sẽ biết chính xác khi nào mình cần gỡ mặt nạ/rửa mặt.
Nguồn: Insider
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét